Phát hiện một ngôi cổ mộ chất đầy báu vật ở miền nam nước Nga
Các nhà khảo cổ học của Đại học Bashkortostan (nước Cộng hoà Bashkortostan thuộc Liên bang Nga), vừa tìm thấy khu mộ còn nguyên vẹn của một người phụ nữ quý tộc ở miền nam nước Nga. Trong đó chứa rất nhiều hiện vật quý giá.
Ngôi mộ này có thể là nơi an táng một thành viên của bộ lạc Sarmatia hùng mạnh, đã từng đi khắp các thảo nguyên ở châu Á – Âu cách đây 2.500 năm.
Những hiện vật bằng vàng trong mộ. (Ảnh: Đại học Bashkortostan)
Người Sarmatia là nhóm các bộ lạc nói tiếng Ba Tư đã kiểm soát khu vực rộng lớn – bây giờ là miền Nam nước Nga, Ukraine và Trung Á – từ khoảng 500 năm trước Công nguyên cho đến 400 năm sau Công nguyên. Họ thường được các nhà sử học Hy Lạp cổ đại nhắc đến và để lại những ngôi mộ xa hoa, sang trọng với nhiều hiện vật tinh tế bằng vàng và đồng – là mục tiêu của những kẻ đào trộm.
Theo giáo sư Gulnara Obydennova, người đứng đầu Viện giáo dục lịch sử và pháp luật ở thành phố Ufa thuộc nước Cộng hoà Bashkortostan, khu mộ được tìm thấy gần ngôi làng Filippovka thuộc vùng Orenburg (tỉnh Orenburg, Vùng Liên bang Volga của Nga) và không hề bị cướp.
“Phát hiện này có ý nghĩa rất lớn bởi vì hầm mộ còn nguyên vẹn nên các vật thể và đồ trang sức trong đó nằm ở đúng nơi những người du mục cổ đại đã sắp xếp”.
Khu vực khai quật. (Ảnh: Đại học Bashkortostan)
Hầm mộ nằm ở độ sâu 4 mét dưới lòng đất gồm 24 gò đất chứa hàng trăm bức tượng hươu, nai, quái vật sư tử đầu chim, lạc đà toàn bằng vàng và bạc, tàu thuyền và các loại vũ khí.
Obydennova cho biết, bộ xương của người phụ nữ vẫn còn được che phủ bởi đồ trang sức và trang trí, tay trái cầm một chiếc gương bạc với cán làm bằng vàng.
Hậu duệ của người Sarmatia là người Ossetia, một dân tộc thiểu số sống ở vùng núi Caucasus, ngôn ngữ của họ có mối liên hệ với tiếng Ba Tư.
Leave a Reply