Lại phát hiện kho báu mới từ thời Anglo-Saxon ở Anh Quốc
Các nhà khảo cổ học người Anh mới đây đã phát hiện ra một kho báu gồm có 90 đồ vật bằng vàng và bạc liên quan đến thời kỳ đầu Trung Cổ tại một cánh đồng thuộc quận Staffordshire của nước này, nơi mà cách đây ba năm cũng đã tìm ra kho báu lớn nhất trong lịch sử từ thời Anglo-Saxon.
Theo các nhà khảo cổ, những đồ vật này, được tìm thấy trong các cuộc khai quật thường kỳ, bắt đầu từ tháng 11 năm nay, liên quan đến thế kỷ thứ 7, thuộc sở hữu của các nhà quý tộc vương quốc Mercia, tồn tại ở vùng Staffordshire vào thời điểm này. Kho báu cũng liên quan đến thời kỳ mà người Anglo-Saxon bắt đầu tiếp nhận Kitô giáo.
Các nhà khảo cổ cho biết những đồ vật mới được khai quật có hình dạng giống với những chi tiết trong Kho báu Staffordshire được phát hiện từ năm 2009 bởi một nhà khảo cổ nghiệp dư trên một cánh đồng gần làng Hammerwich, cạnh thành phố Lichfield thuộc quận Staffordshire, miền Trung nước Anh.
Các hiện vật bằng vàng của Kho báu Staffordshire được phát hiện từ năm 2009
Các nhà khảo cổ giả thiết rằng có thể đây là một phần của kho báu được tìm thấy ba năm về trước.
Đặc biệt, trong số những chi tiết tìm được có một mảnh của chiếc mũ giáp, phần bảo vệ má của binh sỹ, chính là phần còn thiếu của chiếc mũ giáp được khai quật từ năm 2009.
Ngoài ra, còn có những đồ trang trí vũ khí được chế tác bằng kim hoàn với hình dạng cây thánh giá và loài chim ăn thịt, theo giả định của các nhà khoa học là giống con chim đại bàng.
Các nhà nghiên cứu giả thiết rằng cây thánh giá gắn viên ngọc quý dùng để trang trí vỏ thanh kiếm. Chim đại bàng là một biểu tượng của sức mạnh và lòng can đảm của người Anglo-Saxon, những người quý tộc muốn trang trí biểu tượng này lên đồ binh giáp của mình.
Theo các nhà khảo cổ, chiếc mũ giáp bị vỡ ra thành từng mảnh, có thể là một phần chiến lợi phẩm của người Anglo-Saxon thu được trên chiến trường của kẻ thù bị thất trận.
Kho báu Staffordshire có 1.500 đồ vật, gồm vũ khí, đồ trang sức, bát đĩa, với tổng cộng khoảng 2,5kg bạc và gần 5kg vàng. Kho báu này đã giúp cho các bảo tàng ở hai thành phố ở miền Trung nước Anh là Birmingham và Stoke-on-Trent, nơi kho báu được cất giữ luân phiên, thu được 3,285 triệu bảng Anh.
Ngoài ra, Kho báu Staffordshire còn được trưng bày ở các bảo tàng của các thành phố và quốc gia khác, trong đó có Mỹ.
Leave a Reply